Dân trong nghề nôm na gọi là nghề “đi tàu” cho dễ nhận biết. Ở đó, những người Việt đã, đang và sẽ bám sống trên dòng sông Tonle Sap rộng lớn, huyết mạch của thủ đô Phnom Penh đều gạt nỗi niềm riêng. Họ chung ý chí đến với đam mê, cải thiện cuộc sống.

Sông Tonle Sap từ Biển Hồ đổ về, chạy thẳng qua lòng thủ đô Phnom Penh, nằm song song với sông Mê Kông. Nơi đây chạy dọc khu vực phía nam Campuchia, hợp nhất với nhánh sông Cửu Long ở Việt Nam, đổ ra biển Đông. 

Dòng sông "ôm chặt” lấy trung tâm thủ đô, gắn liền với các công trình kiến trúc nổi bật. Để phục vụ SEA Games 32, chính quyền Campuchia cho xây dựng cầu mới bắt qua sông Tonle Sap, đến với sân Morodok Techo. Tonle Sap cũng là nơi neo đậu của những chiếc tàu du lịch, với những lá cờ Việt Nam bay phấp phới.

Từ sân Prince Stadium, địa điểm thi đấu vòng bảng của U22 Việt Nam, chúng tôi bắt tuk tuk đến cầu hữu nghị Nhật – Campuchia. Từ đây, đi bộ khoảng 100m ở đường Preah Sisowath lên hướng bắc, bắt gặp cảng Phnom Penh Autonomous Port.

Chính ngọ, giữa thời tiết oi bức ở Phnom Penh, ông Mai Văn Tám (sinh năm 1980, quê Thanh Hóa) ra đón. Đó là lần đầu tiên, chúng tôi gặp gỡ. Người ông Tám gầy guộc, khuôn mặt đầy sự từng trải, già hơn độ tuổi 43.

Ông bảo: “Tôi đi tàu từ năm 1999. Ban đầu đi tàu lai dắt, sau đi tàu khách. Tôi bôn ba hầu khắp các nước ở châu Á, một vài nước châu Âu và châu Đại Dương. Giờ đây, cái duyên đưa tôi gắn bó với vùng sông nước ở Phnom Penh”.

Ông Tám là thủy thủ tàu, làm ở bộ phận vận hành. Là người có kinh nghiệm nên ông như “sứ giả” giúp chúng tôi len lỏi vào từng ngóc ngách của các con tàu để trải nghiệm cuộc sống trên sông nước.

Sau một hồi điện đàm, ông kết nối chúng tôi với anh Phạm Văn Nghị (1984, quê Ninh Bình). Anh Nghị là thuyền trưởng của một con tàu chuyên chở khách du lịch từ Việt Nam qua Campuchia và ngược lại. 

Cách đây khoảng 20 năm, anh khăn gói rời quê vào TP. HCM học tập. Sau khi ra trường, anh làm một số công ty và bén duyên với nghề “đi tàu”. “Bà con trong gia đình đã làm nghề này, giới thiệu cho mình bắt đầu bước vào nghề này. Lúc đó chưa biết nó thế nào”, anh kể. Đó là năm 2008. Ban đầu, anh làm tàu chở hàng ở nội địa Tp. HCM nên có thời gian cho gia đình.

Đến một thời gian, anh chuyển sang làm tàu du lịch. Thế là, cuộc sống thay đổi. “Tôi thường xuyên đi lại giữa Việt Nam và Campuchia. Khách đi tour thường một tuần ở Việt Nam và 1 tuần ở Campuchia. Cứ thế, mỗi chuyến mất khoảng 2 tuần, thời gian dành cho gia đình ít lại, cuộc sống có sự xáo trộn”, anh tâm sự.

Thế nhưng, anh còn may mắn hơn nhiều anh em trên tàu khác. Gia đình anh đã chuyển về miền Tây sinh sống nên “cứ có cơ hội lúc tàu đi ngang qua gần nhà, tôi lại tranh thủ thăm vợ con. Lúc đó, có thêm động lực để làm tiếp”.

Theo con nước dập dềnh cũng là lúc, những người mưu sinh nơi đất khách chấp nhận cuộc sống xa gia đình. Trên những con tàu là nhiều người đến từ các miền quê khác nhau trên cả nước. Nhiều người chọn cách đưa vợ con vào nam lập nghiệp, có người gia đình nhỏ vẫn ở quê. Thế nên, họ thường tranh thủ thời gian nghỉ 1-2 tuần nghỉ phép về nhà sau quãng thời gian đằng đẵng trên tàu, có thể 3-6 tháng.

Làm nghề này, nếu không có sự cảm thông từ gia đình thì khó bám trụ. Cuộc sống mưu sinh ắt phải có sự đánh đổi. Thật may, vợ con đều hiểu và thông cảm nên tôi có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống”, anh Nghị giãi bày.

Theo anh Nghị, hiện tại, có khoảng 20 tàu đi tour Việt Nam – Campuchia. Tùy theo mỗi con tàu, có chiều dài khác nhau. Thông thường, tàu dài nhất từ 92-100m, tàu ngắn nhất từ 50-60m. Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, các tàu buộc phải đóng cửa và đến nay, một số tàu vẫn chưa hoạt động trở lại.

Thế nhưng, sau khi dịch qua đi, chính quyền hai nước mở cửa trở lại, giao thương thuận lợi đã giúp nghề “đi tàu” nhanh chóng phục hồi. "Hy vọng 1-2 năm nữa sẽ phục hồi trở lại như thời điểm trước COVID-19”, anh Nghị chia sẻ.

Anh là một trong những người già dặn, giàu kinh nghiệm. Và trên những con tàu đó, không thể thiếu những người trẻ đầy nhiệt huyết. Châu Đức Quý là một trong những người như vậy. Quý sinh năm 1999 ở Bình Thuận. Ở tuổi 24, Quý đã có 3 năm làm nghề này.

Sinh ra ở vùng biển, nhiều tàu bè, học cao đẳng Hàng Hải nên ra trường tôi đi làm luôn”, Quý chia sẻ. Quý khá đa năng. Anh làm ở bộ phận thủy thủ, chạy skip, cano chở khách tham quan, bảo dưỡng thân tàu... Công việc khá vất vả nhưng chàng trai với dáng vẻ thư sinh lại có đam mê mãnh liệt.

Cứ 6 tháng, anh về quê thăm gia đình thời gian ngắn rồi trở lại công việc. Thời gian đầu còn nhớ nhà nhưng nay, Quý đã quen và tìm thấy nguồn sống. Quý bảo: “Càng đi làm càng thấy yêu tàu vì đây là đam mê, lại đáp ứng nhu cầu cuộc sống, có thể phát triển hơn. Thu nhập của tôi ổn định, giúp trang trải cuộc sống và lo cho gia đình ở quê”.

Đặc thù nghề “đi tàu” là xa gia đình. Nếu có con nhỏ, khó có thể hai vợ chồng cùng đi. Thế nhưng, đôi vợ chồng Lê Đông Vỹ (1990) - Trần Diễm Hương (1991), cùng ở Huế là một ngoại lệ. Vỹ vốn là dân nghệ thuật nên trong tâm tưởng luôn hướng đến sự đổi mới, bay bổng.

Tháng 8/2013, khi đang làm quản lý cửa hàng cho một công ty bán nhạc cụ lớn ở TP. HCM, đọc báo thấy tuyển Pianist làm cho tàu du lịch, vì bản tính thích đi đó đây, thích thử thách bản thân với những công việc mới và có thêm trải nghiệm mới, anh đã tìm đến nghề này. 

Công việc của Vỹ là mỗi tối sẽ đàn Piano giờ cocktail (trước bữa tối), đàn hát cho khách khiêu vũ, chơi các trò chơi như trivia quiz cho khách lưu trú trên tàu...

Cũng vì cái chất nghệ sĩ đó, Hương xiêu lòng. Cả hai cưới nhau vào đầu năm 2016. Anh chấp nhận rời xa vợ con để tìm đến công việc vừa thỏa đam mê, vừa có cuộc sống dư dả. Đến tháng 8/2016, cả hai có quyết định táo bạo.

Thời điểm đó, đứa con đầu lòng mới 6 tháng tuổi, Hương quyết định chuyển nghề, gửi cô con gái bé bỏng cho ngoại, rời xa quê hương để đi theo nghề lênh đênh trên sông nước. 

Cô bảo: "Đang làm giáo viên tiếng Anh nhưng cũng vì mong ước được làm gì đó khác hơn, gặp gỡ nhiều người, học hỏi nhiều nền văn hoá, và được nghe chồng kể những câu chuyện của mình trên tàu mỗi ngày, nên mới đưa ra quyết định này”.

Cô làm lễ tân, kiêm thêm thủ tục xuất nhập cảnh cho toàn bộ nhân viên và hành khách mỗi khi tàu chạy ngang biên giới Việt - Campuchia. Làm nghề dịch vụ nên cả hai hiểu rằng, họ không có ngày nghỉ lễ. Cứ Tết đến, cả hai đón cái Tết xa nhà. Đôi lúc tủi lòng, nhớ gia đình da diết nhưng tất cả cảm xúc đều dồn nén trong lòng.

Hương bảo, bản thân sợ nhất là bị say sóng khi đi tàu xe nhưng rồi theo thời gian, cô vượt qua tất cả. Ấy vậy, có một điều cô không thể vượt qua là nỗi nhớ con gái. “Cảm giác bất lực khi gọi về nhà và nghe tin con đau ốm đôi lúc không cầm được nước mắt, chỉ muốn quay về bờ", cô nghẹn giọng.

Thời gian đằng đẵng trôi qua, ba cái Tết rời xa gia đình, hai vợ chồng quyết định dừng lại. Tháng 5/2019, họ nghỉ làm tàu vì nhận thấy con đã lớn hơn, cần có ba mẹ bên cạnh để giáo dục, chăm sóc. 

Hương tâm sự: “Cả hai nhận ra, cuộc sống lênh đênh sông nước, dù gặp gỡ những con người thú vị nhưng không thể theo công việc đó suốt đời, cần phải tìm cho mình 1 hướng đi ổn định hơn để phát triển bản thân và ở cạnh con cái. Vợ chồng cũng được ở cạnh nhau chăm sóc nhau”.

Đó là quyết định mang tính bước ngoặt của cuộc đời gia đình Vỹ - Hương. Nhưng khi hỏi có hối hận với quyết định này không, cả hai đều quả quyết không. Hương bảo: "Vì nhờ khoảng thời gian vợ chồng xa nhau, ba mẹ xa con nhỏ để biết thời gian gia đình ở bên cạnh nhau quý đến ngần nào. Khi về bên con, hai vợ chồng biết cách lắng nghe, gia đình luôn tràn ngập tiếng cười”. Quãng thời gian thử thách qua đi và nó cũng mang lại cho cả hai trải nghiệm cuộc sống mới.

Để giờ đây, khi nhắc lại quá khứ, cô bày tỏ: “Mỗi người trên tàu đều xa nhà nên khi cùng nhau chung sống, làm việc trên tàu, ai cũng xem nhau như gia đình. Chúng tôi đã sống, có những khoảnh khắc đẹp và có thêm những gia đình mới ở mỗi chặng đường đi qua trong cuộc đời”.

“Canh tàu” cổ vũ U22 Việt Nam

Vừa mới neo đậu, ngày mai, tàu anh Nghị, anh Tám hay Quý đã phải nhổ neo. Nhưng, những ai đều bám sống trên những con tàu du lịch ở sông Tonle Sap đều hướng về quê hương. Họ bảo nhau rằng, họ đã tìm hiểu lịch thi đấu, khung giờ để sắp xếp thời gian ủng hộ U22 Việt Nam. 

Quý đã chuẩn bị băng rôn, rủ anh em, canh tàu cập bến lúc đội thi đấu sẽ đến sân cổ vũ. Anh Tám cao giọng: “Tất cả đều có máu thể thao trong người, lòng tự hào dân tộc nơi đất khách quê người nên dù bận thế nào, chúng tôi cũng luôn đồng hành với U22 Việt Nam cũng như đoàn thể thao Việt Nam ở kỳ SEA Games đặc biệt này”.

 

Nội dung: Trần Khánh - Hoàng Trì

Đồ họa: Quỳnh Chi

Bài liên quan

Ngỡ ngàng vẻ đẹp sân Morodok Techo trị giá 4.000 tỷ đồng của chủ nhà SEA Games 32

Sân vận động quốc gia Morodok Techo của Campuchia được xây dựng theo phong cách “cánh buồm”, trị giá 4.000 tỷ đồng gây chú ý tại SEA Games 32.

SEA Games 32: Chuyên gia Nhật dùng tay không rải cát “vá” mặt cỏ sân Olympic

Chuyên gia người Nhật bê vác các bao cát, rải ở những khu vực cỏ bị hỏng, “vá” mặt sân Olympic, một ngày trước khi môn bóng đá nam SEA Games 32 khởi tranh.

Bên lề SEA Games 32: Nín thở ngã giá tuk tuk lúc nửa đêm ở Phnom Penh

Thoáng thấy khách lạ đứng chờ ở phía trước sân bay quốc tế Phnom Penh, các tài xế taxi sà tới, liên tục ngã giá. Ra phía ngoài sân bay, ba bốn tài xế tuk tuk nhanh nhẩu bắt khách. Đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến Campuchia tác nghiệp SEA Games 32.

7msportnews.com Bình luận